Bệnh chàm hay còn gọi là eczema hoặc tên khoa học khác là bệnh viêm da cơ địa, là một tình trạng da bị khô. Bệnh chàm trong trường hợp nhẹ thì có biểu hiện da khô, có vảy, đỏ và ngứa. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể có phồng rộp, đóng vảy và chảy máu. Gãi liên tục làm cho da dày lên dễ bị nứt và chảy máu và từ đó dẫn đến nhiễm trùng da.
Bệnh chàm là một tình trạng có thể thay đổi giữa các cá nhân và xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Bệnh chàm không phải là một bệnh truyền nhiễm, do đó không thể lây từ người này sang người khác.
Ngoài ra, bệnh chàm có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em. Những người mắc bệnh chàm từ thời thơ ấu, có thể sẽ bị tái phát lần nữa sau này. Tại Anh, cứ 5 trẻ thì có một trẻ bị bệnh chàm.
Bệnh chàm là một bệnh di truyền dựa trên sự tương tác giữa một số gen và các yếu tố môi trường. Trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh thì thường có tiền sử gia đình bố hoặc mẹ hoặc cả hai bị bệnh chàm, dị ứng hoặc bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng.
Để tìm hiểu bệnh chàm gây ra những tổn hại gì cho da chúng ta cần biết về sự khác nhau giữa làn da khỏe mạnh và làn da bị tổn thương bởi bệnh chàm.
Bình thường da của chúng ta có một hàng rào mạnh mẽ bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng hay bị kích ứng. Ngoài cùng là lớp biểu bì, giữa là lớp trung bì với các sợi collagen giúp da đàn hồi được và hạ bì là lớp mỡ. Mỗi lớp chứa các tế bào da, nước và lipid, tất cả đều giúp duy trì và bảo vệ tình trạng da ổn định.
Làn da khỏe mạnh là làn da căng, đàn hồi tạo thành một hàng rào bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Lipid và dầu trong da giúp duy trì độ ẩm, duy trì nhiệt độ cơ thể và ngăn chặn các chất có hại hay vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chúng ta.
Chúng ta hình dung cách thức hoạt động của lớp da như một bức tường gạch. Các tế bào bên ngoài là những viên gạch, trong khi lipid và dầu như là vữa để giữ lại mọi thứ với nhau và hoạt động. Các tế bào da ưa nước và giữa nước bên trong, các chất béo và dầu cũng giúp giữ nước ở bên trong da.
Khi bạn mắc bệnh chàm chức năng bảo vệ của da có sự thay đổi. Da sẽ không sản xuất chất béo và dầu nhiều như bình thường, chính vì vậy khả năng giữ nước của da giảm đi rõ rệt. Do đó, các hàng rào hoạt động không được tốt như bình thường. Những khoảng trống mở ra giữa các tế bào da vì chúng không đủ nước để căng lên.
Độ ẩm của da mất dần cho đến tận các lớp sâu của da, điều này làm cho vi khuẩn hoặc các chất kích thích dễ dàng vượt qua hàng rào bảo vệ của da. Một số hóa chất mà ta sử dụng hàng ngày góp phần phá hoại lớp bảo vệ của da như: xà phòng, nước rửa chén, bột giặt... chúng sẽ loại bỏ dầu trên da tay của bạn.
Khi bạn bị bệnh chàm thì da của bạn càng dễ bị những hóa chất này phá hoại hơn nữa, nhanh chóng làm cho da bị khô nứt nẻ và bị viêm.
Da của người bị bệnh chàm dễ bị khô, dễ bị tổn thương. Khi tiếp xúc với các hóa chất hoặc các chất kích ứng da trở nên sưng đỏ và khô hơn rất nhiều.
Xem thêm:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn